Hướng dẫn thủ tục ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt 

22/05/2025

Ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt là tình huống phức tạp trong hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Nắm vững thủ tục, hồ sơ giúp bảo vệ quyền lợi và tiết kiệm thời gian. Liên hệ Pháp Luật Việt qua hotline: 1900 996616 để được tư vấn chi tiết.

1. Ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt là thế nào?

Ly hôn khi vắng mặt người nước ngoài là trường hợp Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam tiến hành giải quyết yêu cầu ly hôn (bao gồm cả thuận tình và đơn phương) khi có ít nhất một bên đương sự là người nước ngoài hiện đang ở nước ngoài và không có mặt tại phiên tòa. 

2. Những tình huống ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt

Dựa trên kinh nghiệm giải quyết các vụ án ly hôn, Pháp Luật Việt tổng hợp những trường hợp ly hôn phổ biến liên quan đến việc đương sự ở nước ngoài vắng mặt trong quá trình tố tụng tại Tòa án Việt Nam:

2.1. Hai bên đương sự đều là người Việt Nam, cùng yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và đều đang cư trú ở nước ngoài nên xin vắng mặt

Tình huống này khá phổ biến, thường phát sinh từ việc các cặp vợ chồng xa cách địa lý, cuộc sống độc lập khiến tình cảm phai nhạt, dẫn đến sự đồng thuận chấm dứt quan hệ hôn nhân.

Để Toà án công nhận thuận tình ly hôn, điều kiện tiên quyết là hai bên không chỉ thống nhất về việc ly hôn mà còn phải đạt được thoả thuận về mọi vấn đề liên quan khác như quyền nuôi con, cấp dưỡng (nếu có) và phân chia tài sản chung (nếu có tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết). Đối với tài sản chung, các bên có thể đề nghị Toà án ghi nhận sự thoả thuận đã đạt được hoặc không đưa vấn đề tài sản vào yêu cầu giải quyết tại Toà và tự dàn xếp.

ly-hon-khi-nguoi-nuoc-ngoai-vang-mat
Hướng dẫn thủ tục ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt

Về thủ tục giải quyết vắng mặt: Theo quy định pháp luật tố tụng dân sự, đương sự ở nước ngoài cần nộp đơn đề nghị Toà án cho phép vắng mặt trong quá trình tố tụng. Đồng thời, các bên có thể uỷ quyền cho luật sư hoặc cá nhân khác tại Việt Nam thực hiện việc nộp hồ sơ và nhận các văn bản tố tụng từ Toà án.

2.2. Thuận tình ly hôn giữa một bên là người Việt Nam và một bên mang quốc tịch nước ngoài, trong đó người nước ngoài xin vắng mặt

Việc thuận tình ly hôn trong trường hợp này thường phát sinh do những khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, lối sống, hoặc khi mục đích hôn nhân ban đầu (như đoàn tụ gia đình ở nước ngoài) không đạt được do khó khăn về thủ tục nhập cảnh, cư trú.

Để giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại, người nước ngoài thường lựa chọn phương án xin vắng mặt. Theo quy định, bên người nước ngoài phải nộp đơn xin vắng mặt và đặc biệt, cần có văn bản uỷ quyền cho bên Việt Nam (người vợ/chồng) thay mặt mình nhận các văn bản tố tụng của Toà án.

2.3. Ly hôn đơn phương giữa các đương sự đều là người Việt Nam, trong đó một bên khởi kiện và bên còn lại đang ở nước ngoài nhưng không xác định được địa chỉ

Tình huống này xảy ra khi cả hai vợ chồng đều là người Việt Nam, nhưng một bên đã về Việt Nam sinh sống và khởi kiện ly hôn đơn phương đối với người còn lại đang ở nước ngoài và không rõ địa chỉ cụ thể. Việc kết hôn có thể đã diễn ra ở nước ngoài (tại ĐSQ/LSQ Việt Nam) hoặc tại Việt Nam trước khi một bên ra nước ngoài sinh sống lâu dài và không có kế hoạch quay về.

So với thuận tình ly hôn, thủ tục đơn phương ly hôn khi không xác định được địa chỉ của bên bị kiện ở nước ngoài phức tạp và tốn kém thời gian hơn. Toà án sẽ tiến hành các biện pháp xác minh nhân thân, mối quan hệ hôn nhân, tình trạng mâu thuẫn và lịch sử xuất nhập cảnh của người vắng mặt thông qua các cơ quan chức năng (ví dụ: Cục Quản lý Xuất nhập cảnh). Sau quá trình xác minh, Toà án sẽ căn cứ vào mức độ trầm trọng của mâu thuẫn, nếu xét thấy tình cảm vợ chồng không còn, sẽ ra quyết định cho ly hôn, đồng thời giải quyết vấn đề quyền nuôi con chung (nếu có).

2.4. Một bên là người Việt Nam đơn phương ly hôn với bên còn lại là người nước ngoài đang cư trú ở nước ngoài

Tình huống này thường xảy ra khi sau kết hôn, người nước ngoài trở về nước nhưng các nỗ lực bảo lãnh cho người Việt Nam sang đoàn tụ không thành công (do không đáp ứng điều kiện visa, cư trú), dẫn đến việc vợ chồng xa cách kéo dài. Cá biệt, có trường hợp người nước ngoài cắt đứt liên lạc sau khi về nước.

Để chấm dứt quan hệ hôn nhân, bên Việt Nam có quyền khởi kiện đơn phương ly hôn tại Toà án Việt Nam. Tuy nhiên, thủ tục đơn phương ly hôn với người nước ngoài đang ở nước ngoài đặc biệt phức tạp và mất nhiều thời gian hơn so với các trường hợp khác. Toà án phải thực hiện thủ tục uỷ thác tư pháp quốc tế thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. 

Quá trình uỷ thác này bao gồm việc xác minh thông tin, địa chỉ của người nước ngoài, tống đạt các văn bản tố tụng liên quan đến yêu cầu ly hôn, và ghi nhận ý kiến phản hồi của họ. Chỉ sau khi hoàn tất các bước uỷ thác tư pháp và xác định tình cảm vợ chồng không thể hàn gắn, Toà án mới ra quyết định cho ly hôn, và giải quyết các vấn đề khác theo yêu cầu (như con chung).

3. Hồ sơ, thủ tục ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt

3.1. Hồ sơ ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt

  • Đơn khởi kiện về việc ly hôn (theo mẫu);
  • Giấy chứng nhận kết hôn (Bản gốc). Trường hợp các bên đăng ký kết hôn tại nước ngoài thì bạn cần phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam theo quy định.
  • CCCD của người khởi kiện (bản sao chứng thực);
  • Giấy xác nhận thông tin cư trú của người khởi kiện (bản sao chứng thực);
  • Hộ chiếu/CCCD của người bị khởi kiện nếu có (bản sao chứng thực);
  • Thông tin về địa chỉ nơi cư trú của người bị khởi kiện ly hôn. Nếu nguyên đơn không biết nơi cư trú, nơi làm việc của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
  • Các giấy tờ khác có liên quan.

>>Xem thêm: Thủ tục ly hôn với người nước ngoài mới nhất năm 2025

3.2. Thủ tục ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt

Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền của Việt Nam

Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ khởi kiện

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện ly hôn, Tòa án sẽ kiểm tra tính hợp lệ của đơn khởi kiện và xem xét vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án không. Cụ thể:

  • Nếu vụ án thuộc thẩm quyền và đơn khởi kiện hợp lệ, Tòa án sẽ yêu cầu các đương sự nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi hoàn tất việc nộp phí và cung cấp biên lai thu tiền, vụ án sẽ chính thức được Tòa án thụ lý và giải quyết.
  • Nếu vụ việc đã được xét xử trước đó với một bản án, quyết định, Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện và thông báo lý do.
  • Nếu đơn khởi kiện cần sửa đổi hoặc bổ sung thông tin, hoặc nếu người khởi kiện phải cung cấp thêm tài liệu chứng minh, Tòa án sẽ yêu cầu sửa đổi hồ sơ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  • Nếu hồ sơ hợp lệ nhưng không thuộc thẩm quyền của Tòa án, vụ việc sẽ được chuyển sang Tòa án có thẩm quyền và người khởi kiện sẽ được thông báo.

Bước 3: Xác minh và thu thập chứng cứ

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ để hỗ trợ cho yêu cầu khởi kiện. Tòa cũng sẽ tiến hành xác minh các chứng cứ và lời khai của các bên để đánh giá tính xác thực.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử

Tòa án sẽ tổ chức các phiên họp để kiểm tra việc giao nộp và công khai chứng cứ, đồng thời tiến hành hòa giải (trừ khi một bên yêu cầu không hòa giải).

  • Nếu hòa giải thành công: Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành, và sau 7 ngày, nếu các bên không thay đổi ý kiến, Tòa sẽ ra quyết định công nhận ly hôn thuận tình. Quyết định này có hiệu lực ngay và không thể kháng cáo hoặc kháng nghị.
  • Nếu hòa giải không thành công, và vụ án không thuộc trường hợp đình chỉ hoặc tạm đình chỉ, Thẩm phán sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 5: Mở phiên tòa xét xử sơ thẩm

Tòa án sẽ xem xét yêu cầu ly hôn nếu có đủ căn cứ chứng minh hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, dẫn đến hôn nhân rơi vào tình trạng không thể tiếp tục. Ngược lại, Tòa sẽ không chấp nhận yêu cầu ly hôn đơn phương nếu không đủ cơ sở pháp lý.

4. Thời gian giải quyết ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt

Thông thường, thời gian giải quyết ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt kéo dài hơn so với ly hôn thông thường, do liên quan đến yếu tố nước ngoài:

  • Ly hôn đơn phương hay ly hôn theo yêu cầu của một bên: Cấp xét xử sơ thẩm khoảng từ  04 đến 06 tháng (nếu vắng mặt bị đơn, có tranh chấp tài sản,…thì có thể kéo dài hơn). Cấp Phúc thẩm từ 03 đến 04 tháng (nếu có kháng cáo, kháng nghị).
  • Trường hợp ly hôn vắng mặt thì thời gian khoảng từ 12 đến 24 tháng (do phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp).
ly-hon-khi-nguoi-nuoc-ngoai-vang-mat
Hướng dẫn thủ tục ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt và thủ tục ly hôn khi người nước ngoài vắng mặt. Việc nắm vững các quy định sẽ giúp bạn chủ động chuẩn bị hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết và bảo vệ tốt quyền lợi của mình trong quá trình ly hôn.

Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ trực tiếp với Pháp Luật Việt qua hotline 1900 996616 để được tư vấn chi tiết.

Theo dõi chúng tôi:

Tìm kiếm