Luật Cạnh tranh là gì? Hành vi vi phạm phổ biến cần biết

14/01/2025

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, sự ganh đua giữa các chủ thể là điều không thể tránh khỏi, thúc đẩy sự tiến bộ chung. Điều này từng dẫn đến giai đoạn mà nguyên tắc tự do so kè được đề cao tuyệt đối, kéo theo sự đứng ngoài của nhà nước trong việc điều tiết các hoạt động này trên thương trường.

1. Khái niệm và mục đích của Luật Cạnh tranh

Luật cạnh tranh là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các hành vi cạnh tranh trên thị trường, nhằm mục đích:

  • Bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh: đảm bảo các doanh nghiệp cạnh tranh một cách công bằng, dựa trên năng lực, chất lượng sản phẩm/dịch vụ, thay vì các hành vi gian lận, lừa dối hoặc lạm dụng vị thế.
  • Ngăn chặn các hành vi phản cạnh tranh: bao gồm các hành vi như thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, tập trung kinh tế gây hạn chế cạnh tranh.
  • Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ đa dạng, chất lượng với giá cả hợp lý.
  • Thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế: tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo.

2. Các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh thường gặp

2.1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được quy định tại Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 bao gồm:

  • Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan:
    • Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
    • Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
    • Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
  • Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau giữa các doanh nghiệp
    • Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
    • Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh.
    • Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận.
  • Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường:
    • Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
    • Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
    • Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
    • Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
    • Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
  • Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định, khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường:
    • Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
    • Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
    • Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
    • Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư.
    • Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.
    • Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.
    • Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.
    • Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
luat-canh-tranh
Hành vi cạnh tranh vi phạm pháp luật cạnh tranh

2.2. Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 quy định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm thực hiện những hành vi sau đây:

  • Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
  • Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
  • Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
  • Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
  • Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
  • Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
  • Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.

2.3. Tập trung kinh tế gây hạn chế cạnh tranh

Theo quy định tại Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 thì tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây:

  • Sáp nhập doanh nghiệp: là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập;
  • Hợp nhất doanh nghiệp: Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất;
  • Mua lại doanh nghiệp: Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại;
  • Liên doanh giữa các doanh nghiệp: Liên doanh giữa các doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới;
  • Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018 nghiêm cấm việc doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Như vậy, muốn xác định hành vi tập trung kinh tế bị cấm phải tiến hành đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của hành vi đó trên thị trường Việt Nam.

2.4. Cạnh tranh không lành mạnh

Căn cứ Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm, bao gồm:

  • Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:
    • Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;
    • Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
  • Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó.
  • Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
  • Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó.
  • Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây:
    • Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác;
    • So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.
  • Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó.
  • Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.
luat-canh-tranh
hành vi vi phạm luật cạnh tranh

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp

Doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Việc vi phạm các quy định này có thể dẫn đến các hậu quả pháp lý sau:

  • Xử phạt hành chính: Doanh nghiệp có thể bị phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.
  • Bồi thường thiệt hại: Doanh nghiệp có thể phải bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng bị thiệt hại do hành vi vi phạm của mình.
  • Các biện pháp khắc phục hậu quả: Doanh nghiệp có thể bị buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.
  • Truy cứu trách nhiệm hình sự: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật hình sự.
Theo dõi chúng tôi:

Tìm kiếm