Thủ tục xử lý vi phạm hành chính gồm: lập biên bản, ra quyết định xử phạt, thi hành quyết định. Đảm bảo tính khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Mục lục
1. Xử lý vi phạm hành chính là gì? Xử phạt vi phạm hành chính là gì?
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020, vi phạm hành chính là hành vi trái pháp luật, có lỗi, do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện, xâm phạm các quy định về quản lý nhà nước, không cấu thành tội phạm và phải chịu chế tài xử phạt hành chính. Còn xử phạt vi phạm hành chính là việc cơ quan hoặc người có thẩm quyền áp dụng các chế tài xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ thể vi phạm theo quy định pháp luật.
2. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ theo điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 thì các hành thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính( tang vật phương tiện vi phạm hành chính); trục xuất.
- Xử phạt cảnh cáo:
Căn cứ Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi 2020), hình thức cảnh cáo được thể hiện bằng văn bản. Biện pháp này được dùng cho những trường hợp vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ. Người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính cũng bị xử phạt cảnh cáo.
- Xử phạt bằng tiền:
Luật quy định mức phạt tiền cho cá nhân vi phạm từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, tổ chức vi phạm từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng. Tuy nhiên, một số lĩnh vực đặc thù sẽ có mức phạt tối đa riêng. Đối với khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng không được vượt quá gấp đôi mức phạt chung cho cùng hành vi trong các lĩnh vực giao thông, môi trường và an ninh trật tự.
Việc xác định mức phạt cụ thể dựa trên nguyên tắc: nếu vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì mỗi tình tiết giảm nhẹ sẽ được trừ đi một tình tiết tăng nặng. Thông thường, mức phạt sẽ là trung bình cộng của khung phạt. Nếu có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, áp dụng mức thấp nhất; có 2 tình tiết tăng nặng trở lên, áp dụng mức cao nhất.
Chính phủ sẽ quy định khung hoặc mức phạt cụ thể cho từng hành vi. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) có thể quyết định khung phạt riêng, phù hợp với đặc thù địa phương nhưng không được vượt quá mức tối đa theo quy định.
3. Hình thức xử phạt bổ sung
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn
Hình thức xử phạt này được áp dụng khi cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các quy định trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Cá nhân, tổ chức bị áp dụng hình thức này sẽ tạm thời không được phép thực hiện các hoạt động đã được cấp phép trong thời gian bị tước quyền.
- Đình chỉ hoạt động có thời hạn
Biện pháp này được áp dụng cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, cụ thể: (1) Đình chỉ một phần hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi phần hoạt động đó gây ra hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, áp dụng với cơ sở hoạt động theo giấy phép; (2) Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác khi gây ra hoặc có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội, áp dụng với hoạt động không cần giấy phép.
Để áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, hành vi vi phạm hành chính cần thỏa mãn các điều kiện:
- Thứ nhất, vi phạm trực tiếp các hoạt động được quy định trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
- Thứ hai, tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng, xâm hại đến trật tự quản lý hành chính nhà nước.
Việc đình chỉ một phần hoạt động có thời hạn của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo giấy phép cũng phải dựa trên các căn cứ:
- Vi phạm trực tiếp các hoạt động được ghi trong giấy phép.
- Tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự quản lý hành chính nhà nước.
- Gây ra hoặc có khả năng thực tế gây ra hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
Đây là biện pháp sung vào ngân sách nhà nước các vật, tiền, hàng hóa, phương tiện liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm. Biện pháp này chỉ áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do cá nhân, tổ chức cố ý thực hiện.
4. Thủ tục xử lý vi phạm hành chính
Thủ tục xử lý vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
Bước 1: Chấm dứt hành vi vi phạm
Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý, người có thẩm quyền phải yêu cầu đối tượng chấm dứt ngay hành vi vi phạm. Việc này có thể thực hiện bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc hình thức khác theo quy định.
Bước 2: Lập biên bản vi phạm hành chính
Trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản (Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính), người có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.
Bước 3: Xác minh tình tiết vụ việc
Tiến hành xác minh các tình tiết của vụ việc vi phạm theo Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bước 4: Xác định thẩm quyền xử phạt
Căn cứ vào giá trị tang vật vi phạm để xác định thẩm quyền. Thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thêm nhưng không quá 24 giờ.
Bước 5: Giải trình
Thực hiện thủ tục giải trình theo Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bước 6: Ra quyết định xử phạt hoặc chuyển hồ sơ
- Nếu hành vi có dấu hiệu tội phạm, chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tố tụng hình sự.
- Nếu không có dấu hiệu tội phạm, tiến hành ra quyết định xử phạt, bao gồm:
- Gửi, chuyển, công bố quyết định xử phạt.
- Thi hành quyết định xử phạt theo thời hạn ghi trên quyết định.
- Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt nếu đối tượng không tự nguyện thi hành.
Như vậy, việc xử lý vi phạm hành chính cần tuân thủ đúng trình tự, thủ tục luật định, đảm bảo xác định đúng thẩm quyền và trường hợp có lập biên bản hay không. Các bước xử lý trên đã thể hiện rõ quy trình này.
>>Xem thêm: Mẫu biên bản vi phạm hành chính
Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng để đảm bảo trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước. Việc thực hiện đúng quy trình, thẩm quyền sẽ giúp nâng cao tính minh bạch, hiệu quả. Mọi cá nhân, tổ chức cần nắm rõ quy định để thực hiện và chấp hành nghiêm túc trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ trực tiếp với Pháp Luật Việt qua hotline 1900 996616 để được tư vấn chi tiết.