Hỏi:
Gần đây, tôi thấy xuất hiện nhiều livestream giật gân, mang tính chất gây xúc động mạnh cho cộng đồng mạng, nhưng sau đó bị cơ quan chức năng xác định là sai sự thật.
Tôi muốn hỏi, nếu một người livestream thông tin không đúng về chính bản thân họ thì có bị xử phạt không? Hay chỉ bị xử lý khi nội dung sai lệch ảnh hưởng đến cá nhân khác, tổ chức hoặc cơ quan nào đó?
Ngoài ra, trường hợp người livestream sai sự thật thì sẽ bị xử lý theo quy định nào? Nếu ai đó phát hiện hành vi này, họ có thể báo cáo đến cơ quan nào?
Liệu mục đích và tính chất của livestream có ảnh hưởng đến mức độ xử lý hay khung hình phạt mà người vi phạm phải chịu không?
Đáp:
Xử lý hành vi vu khống, bịa đặt khi livestream trên mạng xã hội
Việc phát trực tiếp (livestream) và chia sẻ thông tin sai sự thật, vu khống trên các nền tảng mạng xã hội có thể bị xử lý theo quy định pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, tính chất hành vi và hậu quả gây ra đối với cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Các hình thức xử lý có thể bao gồm:
1. Xử phạt hành chính
Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của tổ chức có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi livestream vu khống, bịa đặt có thể bị xem xét xử lý theo các tội danh sau:
-
Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự): Người bịa đặt, loan truyền thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; hoặc bịa đặt tội danh và tố cáo người khác trước cơ quan có thẩm quyền, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
-
Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật Hình sự): Nếu hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng… để xâm phạm lợi ích Nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
3. Xâm phạm quyền riêng tư khi chia sẻ thông tin về người khác
Việc kể chuyện, tiết lộ thông tin về người khác trên mạng xã hội có thể bị xem xét là hành vi xâm phạm quyền riêng tư, dù không nêu đích danh danh tính. Nếu thông tin được chia sẻ gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc gia đình, người đăng tải có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo mức độ vi phạm.
4. Yếu tố trục lợi có ảnh hưởng đến việc xử lý vi phạm không?
Việc livestream bịa đặt, vu khống không nhất thiết phải có yếu tố trục lợi mới bị xử lý. Nếu hành vi đã đủ dấu hiệu cấu thành vi phạm pháp luật, người thực hiện có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 156 hoặc Điều 331 Bộ luật Hình sự, tùy vào mức độ vi phạm.
5. Báo cáo hành vi vi phạm ở đâu?
Người phát hiện nội dung livestream có tính chất vu khống, bịa đặt có thể tố giác đến cơ quan công an tại nơi người vi phạm thực hiện hành vi hoặc nơi cư trú của họ để được xem xét, xử lý theo quy định.
6. Cách livestream đúng luật, tránh vi phạm
Để tránh vi phạm pháp luật khi livestream, người dùng cần đảm bảo:
- Chỉ chia sẻ thông tin đã được kiểm chứng, chính xác và trung thực.
- Không lan truyền thông tin sai sự thật, chưa được xác minh.
- Tuân thủ các quy định pháp luật về cung cấp và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Việc phát ngôn trên không gian mạng cần có trách nhiệm để tránh hậu quả pháp lý không mong muốn.