Tin vui: 10 chính sách mới về thuế, phí dành cho doanh nghiệp từ 1/7/2025

22/05/2025

Nghị quyết 198/2025/QH15 vừa ban hành 10 chính sách mới quan trọng liên quan đến thuế và phí. Đây là những điểm mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm để có thể tận dụng tối đa các ưu đãi và hỗ trợ từ Nhà nước.

1. Tổng hợp 10 chính sách mới về thuế, phí đối với mọi doanh nghiệp từ ngày 01/07/2025

1.1. Miễn, giảm thuế TNDN cho lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo

Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian hỗ trợ, sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Cụ thể, thu nhập từ hoạt động này sẽ được miễn thuế TNDN trong 02 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo.
Việc xác định thời gian miễn, giảm thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.
*Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định nghĩa là doanh nghiệp thành lập dựa trên ý tưởng khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có tiềm năng tăng trưởng nhanh.

1.2. Miễn thuế TNCN, TNDN với khoản thu chuyển nhượng cổ phần vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Khoản thu nhập từ việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

1.3. Miễn thuế TNCN trong 02 năm cho thu nhập từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Chuyên gia và nhà khoa học nhận thu nhập từ tiền lương, tiền công khi làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, hoặc tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể, khoản thu nhập này được miễn thuế trong 02 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo.

1.4. Miễn thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm

Chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm. Ưu đãi này bắt đầu tính từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký lần đầu.

1.5. Chi phí đào tạo được tính vào chi phí được trừ

Chi phí đào tạo nhân lực do doanh nghiệp lớn chi trả để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) tham gia chuỗi giá trị được tính là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

1.6. Bỏ thuế khoán từ 01/01/2026

Kể từ ngày 01/01/2026, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ không còn áp dụng phương pháp khoán thuế. Thay vào đó, việc nộp thuế của họ sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

1.7. Chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 01/01/2026

Hiện nay, theo Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp đang phải nộp lệ phí môn bài với các mức từ 300.000 – 1.000.000 đồng/năm (cá nhân, hộ kinh doanh) và 1.000.000 – 3.000.000 đồng/năm (doanh nghiệp).

chinh-sach-moi-ve-thue-phi

Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2026, việc thu loại phí này sẽ chính thức chấm dứt. Đây là tin vui lớn cho mọi đối tượng kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động phát triển mạnh mẽ hơn.

1.8. Miễn thu phí, lệ phí cấp lại giấy tờ

Khi việc cấp lại hoặc cấp đổi các loại giấy tờ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp là do yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo quy định pháp luật, các đối tượng này sẽ được miễn thu phí và lệ phí liên quan.

1.9. Được trích 20% thu nhập tính thuế TNDN để lập quỹ phát triển khoa học

Doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

chinh-sach-moi-ve-thue-phi

Quỹ này có thể được doanh nghiệp sử dụng để tự triển khai hoặc đặt hàng bên ngoài các hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo cơ chế khoán sản phẩm. Việc sử dụng quỹ phải tuân thủ quy định của pháp luật về thuế TNDN.

1.10. Chi phí phát triển khoa học, công nghệ được tính vào chi phí được trừ

Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của mình. Mức tính là 200% chi phí thực tế của hoạt động này, theo quy định của Chính phủ.

2. Luật Quản lý thuế mới nhất là luật nào?

Hiện tại, Luật Quản lý thuế 2019 là văn bản pháp luật mới nhất về lĩnh vực này. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2025, một văn bản pháp luật quan trọng khác sẽ có hiệu lực: Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2024. Luật mới này, được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm các nội dung sửa đổi, bổ sung đối với Luật Quản lý thuế 2019.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế

Điều 6 Luật Quản lý thuế 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quản lý thuế, bao gồm:

  • Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế nhằm mục đích chuyển giá hoặc trốn thuế.

  • Gây phiền hà, sách nhiễu người nộp thuế.

  • Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.

  • Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế thiếu, muộn, không chính xác số tiền phải nộp.

  • Cản trở công chức quản lý thuế thực hiện nhiệm vụ.

  • Sử dụng mã số thuế của cá nhân, tổ chức khác để vi phạm pháp luật hoặc cho phép người khác sử dụng mã số thuế của mình sai quy định.

  • Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ mà không xuất hóa đơn theo quy định; sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng hóa đơn sai quy định.

  • Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, hoặc phá hủy hệ thống thông tin về người nộp thuế.

10 chính sách mới về thuế, phí từ 1/7/2025 giúp giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả tài chính. Đây là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp chuẩn bị và tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nhanh tay liên hệ Pháp Luật Việt – hotline 1900 996616 để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ kịp thời!

Theo dõi chúng tôi:

Tìm kiếm