Vi phạm pháp luật đất đai có được cấp Sổ đỏ không?

22/03/2025

Vi phạm pháp luật đất đai có thể ảnh hưởng đến việc cấp Sổ đỏ, nhưng pháp luật vẫn có một số trường hợp ngoại lệ cho phép cấp Sổ đỏ dù có vi phạm. Các trường hợp này được xem xét dựa trên quy hoạch và tình trạng sử dụng đất.

1. Thế nào là vi phạm pháp luật đất đai?

Luật Đất đai 2024 không đưa ra định nghĩa cụ thể về “vi phạm pháp luật đất đai”. Tuy nhiên, có thể hiểu đây là những hành vi trái với quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng và sở hữu đất đai. Các hành vi này có thể bao gồm:

  • Lấn đất: Chuyển dịch mốc giới, ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép (Khoản 31 Điều 3 Luật Đất đai).

  • Chiếm đất: Sử dụng đất do Nhà nước quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép (Khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai).

  • Sử dụng đất không đúng mục đích: Sử dụng đất vào mục đích khác với mục đích đã được giao, cho thuê hoặc công nhận quyền sử dụng.

2. Trường hợp nào vi phạm pháp luật đất đai vẫn có cơ hội được cấp Sổ đỏ?

Theo quy định của Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc cấp Sổ đỏ cho trường hợp có vi phạm pháp luật đất đai sẽ được xem xét dựa trên từng tình huống cụ thể.

vi-pham-phap-luat-dat-dai
Vi phạm pháp luật đất đai vẫn có cơ hội được cấp Sổ đỏ

Trường hợp 1: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất trước ngày 01/07/2014, với phần đất có nguồn gốc do lấn chiếm hành lang an toàn công trình, lòng đường, hoặc vỉa hè, nhưng hiện nay khu đất đó không còn nằm trong phạm vi các hành lang bảo vệ sau khi quy hoạch được điều chỉnh, thì có thể được xem xét để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, người sử dụng đất cần hoàn tất đầy đủ các nghĩa vụ tài chính liên quan trước khi thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ.

Trường hợp 2: Đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm từ các nông trường, lâm trường hoặc rừng phòng hộ:

  • Nếu phần đất nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ thì sẽ bị thu hồi và bàn giao cho Ban quản lý rừng theo quy định.

  • Trường hợp được giao đất để bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, người sử dụng sẽ được cấp sổ đỏ.

  • Đối với diện tích đất sử dụng làm nhà ở hoặc sản xuất nông nghiệp trước ngày 01/07/2014, không nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hay công trình hạ tầng thì vẫn đủ điều kiện cấp sổ đỏ.

Trường hợp 3: Những khu đất lấn chiếm không thuộc các trường hợp nêu trên nhưng đã được sử dụng liên tục, ổn định và phù hợp với quy hoạch thì cũng có thể được xem xét để cấp giấy chứng nhận.

Trường hợp 4: Đối với đất nông nghiệp do người dân tự khai hoang và không xảy ra tranh chấp, sẽ được cấp sổ đỏ trong phạm vi hạn mức đất nông nghiệp theo quy định địa phương. Nếu diện tích vượt quá hạn mức, phần chênh lệch sẽ phải làm thủ tục thuê đất với Nhà nước.

>>Xem thêm: Thủ tục chuẩn chỉnh và cách xử lý đất phát sinh khi xin cấp Sổ đỏ

3. Thủ tục cấp Sổ đỏ cho đất có khi vi phạm về Luật Đất đai

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đất có vi phạm pháp luật đất đai được thực hiện theo quy trình như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người sử dụng đất cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ sau:

  • Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 04/ĐK, ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP.

  • Các giấy tờ liên quan đến miễn, giảm nghĩa vụ tài chính (nếu có).

  • Tờ khai lệ phí trước bạ, tờ khai thuế thu nhập cá nhân, và tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

  • Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có) liên quan đến lĩnh vực đất đai.

  • Văn bản xác nhận các thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất chung (trong trường hợp đất đứng tên hộ gia đình).

  • Mảnh trích đo địa chính hoặc bản đồ thửa đất (nếu đã có).

  • Trường hợp thuộc điểm a khoản 6 Điều 25 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, phải nộp thêm quyết định xử phạt hành chính ghi rõ biện pháp khắc phục là đăng ký đất đai và chứng từ chứng minh đã nộp phạt.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hồ sơ được nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất. Ngoài ra, người dân cũng có thể nộp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (nếu địa phương có tổ chức).

Bước 3: Cơ quan xử lý hồ sơ

Sau khi tiếp nhận, cơ quan chuyên môn kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ. Nếu hồ sơ thiếu sót, người nộp sẽ được hướng dẫn hoàn thiện hoặc nhận phiếu yêu cầu bổ sung. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, cán bộ sẽ tiếp nhận, lập biên nhận và thông báo thời gian giải quyết cũng như các khoản tài chính phải thực hiện.

Bước 4: Thực hiện nghĩa vụ tài chính

Người sử dụng đất thực hiện nộp thuế, lệ phí trước bạ và các nghĩa vụ tài chính liên quan theo thông báo từ cơ quan chức năng.

Bước 5: Nhận sổ đỏ

Sau khi hoàn tất nghĩa vụ tài chính, người sử dụng đất sẽ nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận trả kết quả trong vòng 03 ngày làm việc.

>>Xem thêm: Giải quyết tranh chấp đất đai đã có sổ đỏ 2025

Vi phạm pháp luật đất đai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và khả năng sở hữu đất của bạn. Nhiều người vẫn băn khoăn vi phạm pháp luật đất đai có được cấp Sổ đỏ không? câu trả lời là có thể không nếu vi phạm chưa được xử lý đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, vẫn có thể khôi phục quyền sở hữu sau khi thực hiện các bước khắc phục vi phạm.

Nếu bạn đang gặp khó khăn hoặc có thắc mắc liên quan đến việc xử lý vi phạm đất đai, đừng ngần ngại liên hệ ngay với Pháp Luật Việt qua số hotline 1900 996616 để được tư vấn miễn phí từ các chuyên gia pháp lý. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong mọi vấn đề pháp lý, giúp bạn bảo vệ quyền lợi và giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả!

Theo dõi chúng tôi:

Tìm kiếm