Trục lợi từ tiền từ thiện có thể bị xử lý nghiêm khắc, từ phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cá nhân phải tuân thủ quy định minh bạch khi kêu gọi từ thiện.
1. Thu nhập từ tiền từ thiện có phải chịu thuế TNCN không?
Theo quy định hiện hành, các khoản thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được quy định chi tiết tại Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Danh sách các khoản thu nhập chịu thuế TNCN bao gồm:
- Thu nhập từ hoạt động sản xuất – kinh doanh;
- Thu nhập từ tiền lương, tiền công mà người lao động nhận từ người sử dụng lao động;
- Thu nhập từ đầu tư vốn;
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn;
- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản;
- Thu nhập từ trúng thưởng (tiền hoặc hiện vật);
- Thu nhập từ bản quyền;
- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại theo quy định của Luật Thương mại;
- Thu nhập từ thừa kế bao gồm chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản, và tài sản khác cần đăng ký sở hữu hoặc sử dụng;
- Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc sử dụng.
Tuy nhiên, trong các quy định về thu nhập từ quà tặng phải chịu thuế TNCN, tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP và khoản 10 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC không có đề cập đến việc thuế TNCN áp dụng đối với tiền mặt nhận từ quà tặng, bao gồm cả tiền từ thiện.
10. Thu nhập từ nhận quà tặng
Thu nhập từ nhận quà tặng là khoản thu nhập của cá nhân nhận được từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cụ thể như sau:
a) Đối với nhận quà tặng là chứng khoán bao gồm: cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
b) Đối với nhận quà tặng là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh bao gồm: vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp tác xã, công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, vốn trong doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân, vốn trong các hiệp hội, quỹ được phép thành lập theo quy định của pháp luật hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh nếu là doanh nghiệp tư nhân, cơ sở kinh doanh của cá nhân.
c) Đối với nhận quà tặng là bất động sản bao gồm: quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức; trừ thu nhập từ quà tặng là bất động sản hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
d) Đối với nhận quà tặng là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: ô tô; xe gắn máy, xe mô tô; tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.
Theo quy định hiện hành, các khoản tiền từ thiện không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Một số quan điểm cho rằng, theo khoản 13 Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, chỉ những khoản tiền từ thiện nhận từ các quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước cấp phép hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không vì lợi nhuận mới được miễn thuế TNCN. Các khoản tiền từ thiện nhận từ cá nhân, tổ chức khác không được miễn thuế TNCN.
Tuy nhiên, theo quy định hiện tại, không có điều luật hay văn bản nào yêu cầu thu thuế TNCN đối với các khoản tiền từ thiện, cho dù chúng nhận từ quỹ từ thiện hay cá nhân, tổ chức. Vì vậy, các cơ quan chức năng không thể thu thuế đối với các khoản tiền này.
Ngoài ra, khi Nghị định 65/2013/NĐ-CP và Thông tư 111/2013/TT-BTC được ban hành, việc nhận tiền từ thiện chủ yếu là từ các quỹ được cơ quan nhà nước công nhận. Đến năm 2021, Nghị định 93/2021/NĐ-CP ra đời để điều chỉnh việc vận động và sử dụng các nguồn tiền từ thiện, phản ánh sự phát triển của hoạt động từ thiện, nhất là qua mạng xã hội. Việc chưa đưa các khoản tiền từ thiện từ cá nhân, tổ chức vào diện miễn thuế TNCN có thể hiểu là chưa cần thiết do số lượng thu nhập này chưa lớn.
Trong tương lai, khi có các sửa đổi Nghị định và Thông tư liên quan, có thể sẽ có thêm quy định về các khoản thu nhập từ tiền từ thiện từ cá nhân, tổ chức được miễn thuế TNCN.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể được xét các khoản tiền từ thiện là chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC. Những khoản chi này phải liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Đối với cá nhân, những khoản chi từ thiện có thể được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân khi đóng góp vào các tổ chức chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, hoặc các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo hợp pháp và có chứng từ hợp lệ.
Tuy nhiên, đối với các khoản chi tiền từ thiện không thông qua các quỹ hợp pháp, hiện tại chúng không thể được tính là chi phí hợp lý cho doanh nghiệp hay được giảm trừ thu nhập chịu thuế TNCN. Hy vọng rằng, các sửa đổi trong các Nghị định, Thông tư sắp tới sẽ làm rõ vấn đề này.
2. Hình thức xử lý đối với hành vi trục lợi từ tiền từ thiện
Theo quy định tại Điều 17, Điều 18, Điều 19 Nghị định 93/2021/NĐ-CP, những cá nhân tổ chức quyên góp từ thiện phải thực hiện một số nghĩa vụ cụ thể, bao gồm:
-
Thông báo về mục đích, phương thức, phạm vi vận động từ thiện, tài khoản và địa điểm tiếp nhận tiền, hiện vật, thời gian cam kết phân phối và gửi thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
-
Mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận, quản lý tiền quyên góp, đồng thời bố trí địa điểm thích hợp để tiếp nhận và bảo quản hiện vật đóng góp.
-
Cung cấp biên nhận cho các khoản đóng góp và không tiếp nhận đóng góp sau khi kết thúc thời gian cam kết. Cá nhân vận động từ thiện còn có trách nhiệm thông báo về việc dừng tiếp nhận đến nơi mở tài khoản.
-
Trong quá trình phân phối, cá nhân kêu gọi từ thiện cần phối hợp với các cơ quan địa phương để đảm bảo phân phối đúng đối tượng và theo đúng cam kết. Nếu có khoản dư, cá nhân phải thống nhất với tổ chức đóng góp và chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Ngoài ra, việc tiếp nhận và phân phối các khoản đóng góp phải được thực hiện công khai, minh bạch. Cá nhân tổ chức từ thiện phải ghi chép chi tiết và công khai kết quả trên các phương tiện truyền thông, đồng thời gửi báo cáo đến Ủy ban nhân dân cấp xã để niêm yết tại cơ quan trong vòng 30 ngày.
Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP cũng cấm các hành vi vi phạm như: báo cáo sai sự thật, chiếm đoạt hoặc phân phối sai mục đích các khoản đóng góp, lợi dụng vận động từ thiện để trục lợi hoặc xâm phạm an ninh, trật tự xã hội.
Nếu cá nhân lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác để chiếm đoạt tiền quyên góp, tùy vào mức độ vi phạm, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng, đồng thời phải trả lại tài sản chiếm đoạt. Nếu hành vi gian dối nghiêm trọng, có thể bị truy cứu hình sự theo Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc Điều 175 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật Hình sự với hình phạt tù từ 3 tháng đến chung thân.
Như vậy, cá nhân lợi dụng vận động từ thiện để trục lợi sẽ bị xử phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi gian dối sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ trực tiếp với Pháp Luật Việt qua hotline 1900 996616 để được tư vấn chi tiết.