Thép A bị tố cạnh tranh không lành mạnh: Thuê gia công giá rẻ có vi phạm luật?

04/03/2025

Hỏi: 

Do chi phí sản xuất trong nước tăng cao, công ty thép A thuê một công ty Trung Quốc tại Quảng Tây gia công sắt xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam và dán nhãn hiệu của mình. Nhờ đó, A bán sắt xây dựng với giá thấp hơn thị trường.

Thấy vậy, các công ty thép B và C cũng đặt hàng Trung Quốc gia công, tạo nên cuộc đua giảm giá, thu hút khách hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất thép còn lại (chiếm 78% thị phần) cáo buộc A, B, C vi phạm luật cạnh tranh. Đồng thời, họ thỏa thuận áp dụng giá sàn và đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ ban hành quy định về giá sàn sắt xây dựng.

Tổng giám đốc công ty A lo lắng và cần tư vấn về tính hợp pháp của các hành vi trên.

Đáp: 

1. Công ty A có vi phạm luật cạnh tranh không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 thì công ty A không phải doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường:

Điều 24: Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường:

  1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
  2. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  3. a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
  4. b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
  5. c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;
  6. d) Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.
  7. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.

Hơn nữa, công ty A cùng với công ty B, C có tổng thị phần trên thị trường chiếm 22% cũng chưa thuộc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Do công ty A sản xuất thép với chi phí thấp nên giá bán thấp hơn trên thị trường là đương nhiên.

2. Các doanh nghiệp còn lại có vi phạm luật cạnh tranh không? tại sao?

Theo Điều 11 và Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 quy định:

Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (Điều 11)

Bao gồm các thỏa thuận:

  • Ấn định giá hàng hóa, dịch vụ.
  • Phân chia khách hàng, thị trường, nguồn cung cấp.
  • Hạn chế số lượng sản xuất, mua bán.
  • Dàn xếp kết quả đấu thầu.
  • Ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia hoặc phát triển thị trường.
  • Loại bỏ doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận.
  • Hạn chế công nghệ, đầu tư.
  • Áp đặt điều kiện giao dịch bất hợp lý.
  • Không giao dịch hoặc hạn chế giao dịch với bên ngoài thỏa thuận.
  • Các thỏa thuận khác có khả năng hạn chế cạnh tranh.

Các thỏa thuận bị cấm (Điều 12)

  • Các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan, trừ một số trường hợp theo quy định.
  • Các thỏa thuận giữa doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng có tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể.

Thỏa thuận ấn định giá

Thỏa thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp là việc thống nhất cùng hành động dưới một trong các hình được quy định điều 14 Nghị định 116/2005/NĐ-CP như sau:

– Áp dụng thống nhất mức giá với một số hoặc tất cả khách hàng.

– Tăng giá hoặc giảm giá ở mức cụ thể.

– Áp dụng công thức tính giá chung.

– Duy trì tỷ lệ cố định về giá của sản phẩm liên quan.

– Không chiết khấu giá hoặc áp dụng mức chiết khấu giá thống nhất.

– Dành hạn mức tín dụng cho khách hàng.

– Không giảm giá nếu không thông báo cho các thành viên khác của thoả thuận.

–  Sử dụng mức giá thống nhất tại thời điểm các cuộc đàm phán về giá bắt đầu.

Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép còn lại chiếm khoảng 78% thị trường sắt- xây dựng đã phối hợp thỏa thuận cùng đồng ý về việc thực hiện một giá bán tối thiểu chung, và còn yêu cầu hiệp hội các nhà sản xuất thép Việt Nam làm đơn kiến nghị chính phủ ra quy định thực hiện giá sàn về sắt xây dựng là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nên vi phạm luật cạnh tranh.

Quyền và nguyên tắc cạnh tranh

  • Doanh nghiệp có quyền tự do cạnh tranh hợp pháp.
  • Cạnh tranh phải trung thực, công bằng, không xâm phạm lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
  • Nhà nước bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Công ty A có phải thực hiện giá sàn không?

Như vậy theo như câu hỏi mà bạn đưa ra trong trường hợp sự  này các doanh nghiệp sản xuất thép còn lại, chiếm khoảng 78% thị trường sắt- xây dựng một mặt cáo buộc các công ty A, B, C vi phạm luật cạnh tranh, mặt khác cùng đồng ý thực hiện một giá bán tối thiểu chung là thỏa thuận vi phạm luật cạnh tranh cho nên công ty A không phải thực hiện giá sàn.

Theo dõi chúng tôi:

Tìm kiếm