Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là bước quan trọng giúp doanh nghiệp khẳng định quyền sở hữu hợp pháp, tránh rủi ro tranh chấp và nâng cao giá trị thương hiệu. Việc này không chỉ bảo vệ nhãn hiệu trước hành vi xâm phạm mà còn mang lại lợi ích kinh doanh lâu dài.
Mục lục
1. Nhãn hiệu là gì?
Dựa theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009 và 2019), nhãn hiệu được hiểu là dấu hiệu nhằm nhận biết và phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức khác nhau.
Cụ thể, nhãn hiệu được phân thành các loại sau:
-
Nhãn hiệu tập thể là dấu hiệu dùng để phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các thành viên thuộc tổ chức sở hữu nhãn hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ của những cá nhân, tổ chức không thuộc tổ chức đó.
-
Nhãn hiệu chứng nhận là loại nhãn hiệu mà chủ sở hữu cho phép bên thứ ba sử dụng để xác nhận các tiêu chí liên quan đến nguồn gốc, thành phần, phương pháp sản xuất, cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các yếu tố khác của hàng hóa, dịch vụ.
-
Nhãn hiệu liên kết là những nhãn hiệu được cùng một chủ thể đăng ký, có sự giống nhau hoặc tương đồng và được sử dụng cho các hàng hóa, dịch vụ có tính chất tương tự hoặc có liên quan.
-
Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được đông đảo người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến một cách rộng rãi.
(Căn cứ khoản 17, 18, 19, 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009 và 2019)
Tuy nhiên khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, thì nhãn hiệu liên kết sẽ bị bãi bỏ và nhãn hiệu nổi tiếng sẽ sửa đổi lại định nghĩa như sau: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”
2. Điều kiện bảo hộ nhãn hiệu?
Theo quy định tại Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019), nhãn hiệu được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc;
(ii) Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 sửa đổi điều kiện (i) thành: Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa.
3. Các dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
Căn cứ tại Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019), các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
(i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
(ii) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
(iii) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
(iv) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
(v) Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
So với Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 sẽ có sự sửa đổi, bổ sung sau đây:
– Sửa đổi dấu hiệu (i) thành: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca.
– Bổ sung thêm hai dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
+ Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;
+ Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.
3. Hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
- Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (2 bản theo mẫu)
- 5 mẫu nhãn hiệu (đối với nhãn hiệu màu, cần nêu rõ màu sắc)
- Danh mục sản phẩm, dịch vụ gắn nhãn hiệu
- Chứng từ nộp lệ phí
Ngoài ra, đối với nhãn hiệu tập thể hoặc chứng nhận, cần bổ sung quy chế sử dụng, bản thuyết minh chất lượng sản phẩm, bản đồ khu vực địa lý (nếu có).
4. Thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Bước 1: Xác định mẫu nhãn hiệu và danh mục sản phẩm, dịch vụ
Người nộp đơn cần thiết kế mẫu nhãn hiệu có khả năng bảo hộ, tránh trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với những nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc nổi tiếng. Đồng thời, mẫu nhãn không được mang tính mô tả chung chung, không có dấu hiệu phân biệt rõ ràng.
Về danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn cần lựa chọn theo hệ thống phân loại quốc tế Nice, đảm bảo các nhóm được phân đúng và đầy đủ cho các hàng hóa, dịch vụ sẽ sử dụng nhãn hiệu trong thực tế.
Bước 2: Kiểm tra khả năng bảo hộ của nhãn hiệu
Việc tra cứu là bước quan trọng để dự đoán khả năng được cấp văn bằng bảo hộ. Thông qua tra cứu, chủ đơn sẽ biết nhãn hiệu dự kiến có đang trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký hay không, từ đó điều chỉnh cho phù hợp.
-
Hồ sơ tra cứu gồm: Mẫu nhãn hiệu và danh mục sản phẩm/dịch vụ kèm theo.
-
Tra cứu cơ bản: Có thể tự thực hiện qua website của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc thông qua tổ chức đại diện.
-
Tra cứu chuyên sâu: Thường mất từ 1–3 ngày, được thực hiện bởi chuyên gia sở hữu trí tuệ để đưa ra đánh giá chính xác hơn về khả năng đăng ký.
Tra cứu là hành động mang tính tham khảo, không mang giá trị quyết định cho việc cấp bằng, nhưng là bước nền tảng giúp giảm thiểu rủi ro khi nộp đơn chính thức.
Bước 3: Nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Khi nhãn hiệu có khả năng bảo hộ cao, người nộp đơn tiến hành nộp hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ nộp kèm theo lệ phí đăng ký, trong đó bao gồm:
-
Lệ phí cho 01 nhóm sản phẩm/dịch vụ với tối đa 6 mặt hàng: 150.000 đồng
-
Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng
-
Phí tra cứu phục vụ thẩm định: 180.000 đồng
-
Phí công bố đơn: 120.000 đồng
Nếu đơn gồm nhiều nhóm hoặc mỗi nhóm vượt quá 6 sản phẩm/dịch vụ, chi phí sẽ tăng thêm theo quy định hiện hành.
Bước 4: Thẩm định hình thức đơn
Sau khi tiếp nhận, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ kiểm tra hình thức của đơn trong vòng 1 tháng kể từ ngày nộp. Các yếu tố như thông tin chủ đơn, mẫu nhãn, phân nhóm… sẽ được xem xét.
-
Nếu hợp lệ: Cục sẽ ban hành Thông báo chấp nhận đơn và chuyển sang bước công bố.
-
Nếu không hợp lệ: Cục ra Thông báo yêu cầu sửa đổi. Chủ đơn có thể sửa và nộp lại theo hướng dẫn, đồng thời điều chỉnh lệ phí nếu nhóm bị phân sai.
Bước 5: Công bố đơn đăng ký
Trong vòng 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận đơn hợp lệ, thông tin đơn đăng ký sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, bao gồm: mẫu nhãn hiệu, thông tin chủ đơn và danh mục sản phẩm/dịch vụ đăng ký.
Bước 6: Thẩm định nội dung
Trong thời hạn 9 tháng từ ngày công bố, đơn sẽ được thẩm định nội dung để xác định khả năng bảo hộ. Nếu nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện, Cục sẽ thông báo dự định cấp văn bằng.
-
Trường hợp bị từ chối: Người nộp đơn có thể phản hồi, nêu căn cứ bổ sung hoặc tiến hành khiếu nại quyết định nếu cần thiết.
Bước 7: Nộp phí cấp văn bằng
Khi nhận được thông báo đồng ý cấp giấy chứng nhận, người nộp đơn cần hoàn thành phí cấp văn bằng như sau:
-
Lệ phí cấp văn bằng: 120.000 đồng
-
Phí đăng bạ: 120.000 đồng
-
Phí công bố: 120.000 đồng
Mỗi nhóm bổ sung sẽ tăng phí thêm 100.000 đồng.
Bước 8: Nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Khoảng 2–3 tháng sau khi hoàn thành các khoản phí, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Toàn bộ quá trình đăng ký thường kéo dài từ 12 đến 18 tháng.
Nhãn hiệu sẽ được bảo hộ trong thời hạn 10 năm tính từ ngày nộp đơn (ngày ưu tiên nếu có), và có thể gia hạn liên tục mà không giới hạn số lần.
5. Chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
- Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng
- Phí công bố đơn: 120.000 đồng
- Phí tra cứu: 180.000 đồng/nhóm sản phẩm, dịch vụ
- Phí thẩm định nội dung: 550.000 đồng/nhóm sản phẩm, dịch vụ
- Phí thẩm định từ sản phẩm thứ 7 trở đi: 120.000 đồng/sản phẩm

Tổng chi phí đăng ký từ 1.000.000 đồng/nhóm sản phẩm, dịch vụ.
6. Lưu ý quan trọng
- Nhãn hiệu phải không trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã đăng ký.
- Văn bằng bảo hộ có hiệu lực 10 năm, có thể gia hạn vô thời hạn.
- Sau khi được bảo hộ, chủ sở hữu có thể gắn ký hiệu “R” lên nhãn hiệu.
7. Lợi ích khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Khi thực hiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu, chủ thể nộp đơn sẽ nhận được nhiều lợi ích quan trọng như sau:
- Thiết lập quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu
Ngay từ thời điểm nộp đơn, chủ đơn được hưởng quyền ưu tiên theo quy định pháp luật. Khi văn bằng bảo hộ được cấp, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu chính thức được xác lập.
- Tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi
Việc được công nhận quyền nhãn hiệu giúp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sử dụng từ các chủ thể khác. Đây cũng là căn cứ để chủ nhãn hiệu yêu cầu xử lý vi phạm nếu có hành vi sử dụng trái phép xảy ra.
- Phòng ngừa nguy cơ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên khác
Việc đăng ký nhãn hiệu không chỉ bảo vệ chính mình mà còn giúp doanh nghiệp tránh vi phạm quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân khác đã đăng ký trước trên thị trường.
- Góp phần xây dựng thương hiệu uy tín và lâu dài
Nhãn hiệu đã đăng ký giúp doanh nghiệp tăng độ tin cậy với đối tác, nhà đầu tư và người tiêu dùng. Đây là nền tảng để phát triển thành thương hiệu mạnh, có thể vươn tầm khu vực và quốc tế như các thương hiệu lớn: Apple, Google, Vingroup, Viettel…
- Hỗ trợ tham gia thương mại điện tử
Việc đăng ký nhãn hiệu là điều kiện cần thiết khi bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Amazon hay Alibaba. Các sàn đều yêu cầu người bán phải chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu trước khi được phép kinh doanh.
- Lợi ích về chi phí và giá trị tài sản vô hình
So với chi phí phát sinh nếu xảy ra tranh chấp, phí đăng ký nhãn hiệu là rất thấp. Ngoài ra, nhãn hiệu có thể trở thành tài sản vô hình có giá trị cao, thậm chí vượt qua cả giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ đang kinh doanh.
Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang lại nhiều lợi ích, giúp bảo vệ thương hiệu và đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Nếu bạn cần tư vấn chi tiết, hãy liên hệ ngay Pháp Luật Việt theo thông tin dưới đây:
Hotline: 1900 996616
Email: info.phapluatviet@gmail.com
Địa chỉ: Số 145, đường Yên Ninh, phường Mỹ Hải, TP. Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận.