Cách chia đất thừa kế không có di chúc

04/03/2025

Khi một người qua đời mà không để lại di chúc, việc phân chia đất thừa kế sẽ được thực hiện theo quy định của luật thừa kế không di chúc. Vậy, hàng thừa kế được xác định như thế nào, cách chia đất thừa kế không có di chúc ra sao và thủ tục thực hiện gồm những bước gì? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan theo đúng quy định pháp luật.

1. Thừa kế đất không có di chúc là gì?  

Thừa kế đất đai không có di chúc là việc phân chia quyền sử dụng đất của người đã khuất theo quy định của pháp luật khi người đó không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp.

Nói cách khác, đây là hình thức chia thừa kế đất đai dựa trên hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định, chứ không phụ thuộc vào ý nguyện của người để lại di sản thông qua di chúc.

Cụ thể:

    • Hàng 1: Vợ, chồng, cha mẹ (đẻ, nuôi), con cái (đẻ, nuôi).
    • Hàng 2: Ông bà (nội, ngoại), anh chị em ruột, cháu ruột (gọi người chết là ông bà).
    • Hàng 3: Cụ (nội, ngoại), bác, chú, cậu, cô, dì (ruột), cháu ruột (gọi người chết là bác, chú, cậu, cô, dì), chắt ruột.
    • Nguyên tắc: Người ở hàng sau chỉ được hưởng nếu không còn ai ở hàng trước. Những người cùng hàng hưởng phần bằng nhau.
  • Điều kiện áp dụng: Thừa kế theo pháp luật (bao gồm cả trường hợp không có di chúc) được áp dụng khi: Không có di chúc, di chúc không hợp pháp, người thừa kế theo di chúc chết trước/cùng thời điểm với người lập di chúc, hoặc người được chỉ định hưởng di sản theo di chúc không có quyền hưởng/từ chối nhận di sản.

Như vậy, khi không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, pháp luật sẽ “đứng ra” phân chia đất đai theo hàng thừa kế và các quy định liên quan để đảm bảo quyền lợi cho những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân và nuôi dưỡng với người đã mất.

 2. Cách chia đất thừa kế không có di chúc 

Khi cha mẹ chết mà không có để lại di chúc thì tài sản ba mẹ để lại sẽ chia thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật được xác định theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

– Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
cach-chia-dat-thua-ke-khong-co-di-chuc
Cách chia đất thừa kế không có di chúc

Như vậy, trước tiên sẽ tiến hành xác định những người thừa kế theo pháp luật theo hàng thừa kế thứ nhất, nếu như không  còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì người thuộc hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng, tương tự xác định khi không còn ai hưởng ở hàng thừa kế thứ hai thì sẽ tính hưởng đối với người thuộc hàng thừa kế thứ ba.

Có 02 cách chia đất thừa kế không có di chúc:

Cách 1: Thoả thuận

Để thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai sau khi thừa kế, những người thừa kế cần đến UBND xã hoặc văn phòng công chứng để lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản. Sau đó, tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Lập văn bản khai nhận hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người để lại di sản.
  • Giấy tờ tùy thân của những người đồng thừa kế (CCCD, Giấy xác nhận thông tin cư trú).
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người nhận thừa kế và người để lại di sản (giấy khai sinh).

Tất cả những người nhận thừa kế phải có mặt và ký tên vào văn bản. Trường hợp vắng mặt, cần có giấy ủy quyền hợp lệ. Nếu muốn đứng tên toàn bộ diện tích đất, người thừa kế có thể thỏa thuận mua lại phần di sản của những người đồng thừa kế khác hoặc những người này có thể từ chối nhận di sản.

Bước 2: Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất

  • Nơi nộp hồ sơ: Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
  • Hồ sơ cần nộp:
    • Bản chính văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được công chứng, chứng thực.
    • Bản gốc sổ đỏ.
    • Giấy tờ tùy thân của người nhận thừa kế, giấy chứng tử của người để lại di sản.
    • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất (Mẫu số 09/ĐK).

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thẩm tra, trích sao hồ sơ địa chính, gửi thông tin đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có). Tiếp theo, cơ quan này sẽ chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc cấp mới (nếu thuộc trường hợp phải cấp mới). Cuối cùng, sau khi người nhận thừa kế hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cách 2: Khởi kiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ gồm:

  • Đơn khởi kiện (theo mẫu quy định).
  • Bản sao công chứng Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân.
  • Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án nhằm chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp, ví dụ: Giấy chứng tử của người để lại di sản, bản kê khai di sản, di chúc (nếu có), giấy tờ nhà đất, giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân giữa người để lại di sản và người thừa kế,…

Trường hợp không thể cung cấp đầy đủ, người khởi kiện cần nộp những tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền khởi kiện.

cach-chia-dat-thua-ke-khong-co-di-chuc
Cách chia đất thừa kế không có di chúc

Bước 2: Nộp đơn và thụ lý vụ án

  • Cách thức nộp đơn:
    • Nộp trực tiếp tại Tòa án.
    • Gửi qua đường bưu điện.
    • Nộp trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
  • Thụ lý vụ án:
    Sau khi nhận đơn, Thẩm phán sẽ tính toán và thông báo số tiền tạm ứng án phí. Người khởi kiện có trách nhiệm nộp khoản phí này tại cơ quan thi hành án dân sự trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận thông báo (thông tin chi tiết xem trong giấy báo). Sau đó, nộp lại biên lai cho Tòa án.
    Khi nhận được biên lai, Thẩm phán sẽ tiến hành thụ lý và ghi vào sổ thụ lý vụ án.

Bước 3: Chuẩn bị xét xử sơ thẩm

Căn cứ Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm tối đa là 04 tháng. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, thời hạn này có thể được gia hạn nhưng không quá 02 tháng.

Bước 4: Xét xử sơ thẩm

Trừ trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Sau khi xét xử, có thể phát sinh các thủ tục tố tụng tiếp theo như: Kháng cáo, kháng nghị (phúc thẩm); giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Bản án sẽ có hiệu lực pháp luật nếu không có kháng cáo, kháng nghị, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tuy nhiên, kể cả khi bản án đã có hiệu lực, việc thi hành án vẫn có thể cần đến sự can thiệp của cơ quan thi hành án dân sự nếu bên thua kiện không tự nguyện chấp hành. Khi đó, bên thắng kiện phải nộp phí thi hành án và yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thực thi bản án.

Nếu bạn cần thêm thông tin hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ trực tiếp với Pháp Luật Việt qua hotline 1900 996616 để được tư vấn chi tiết.

Theo dõi chúng tôi:

Tìm kiếm