Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 03 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2005. Tuy nhiên, Luật Cạnh tranh 2004 đã bộc lộ những điểm bất cập, bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.
Mục lục
1. Sự lạc hậu so với thực tiễn và xu thế hội nhập
Nhiều quy định trong Luật Cạnh tranh 2004 không còn phản ánh đúng bối cảnh kinh tế hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Luật chưa bao quát và dữ liệu được những hành vi phản cạnh tranh mới, xuất hiện ngày càng tinh vi và phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, công nghệ và kinh tế số. Các hành vi hạn chế cạnh tranh như tận thu, đóng cửa thị trường, loại bỏ đối thủ được thực hiện dưới nhiều hình thức mới, khó nhận diện. Trong khi đó, Luật hiện hành lại quá chú trọng vào việc mô tả cứng nhắc các biểu hiện bên ngoài của hành vi, thay vì đi sâu vào bản chất phản cạnh tranh, dẫn đến việc không theo kịp những biến động liên tục của thị trường.

2. Vai trò “luật gốc” chưa được phát huy
Là luật công, bao trùm tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế, Luật Cạnh tranh cần đóng vai trò “luật gốc” để tạo sự thống nhất trong việc điều chỉnh cạnh tranh với các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, kể từ khi Luật Cạnh tranh 2004 có hiệu lực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi đã được ban hành như Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Giá 2012, Luật Viễn thông 2009, Luật Các tổ chức tín dụng 2010, Luật Điện lực 2012, Luật Bảo hiểm 2014…, nhưng lại chưa có sự kết nối đồng bộ với Luật Cạnh tranh. Một số quy định về cạnh tranh trong các luật chuyên ngành như viễn thông, bảo hiểm, tài chính ngân hàng còn mâu thuẫn, chưa được dẫn chiếu thống nhất với Luật Cạnh tranh.
3. Sự thiếu nhất quán trong việc thực thi đối với doanh nghiệp nhà nước
Hiến pháp 2013 khẳng định nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước có hành vi chưa tuân thủ đúng pháp luật cạnh tranh. Đồng thời, một số cơ quan Trung ương và địa phương còn ban hành chính sách, văn bản hành chính tạo ra sự phân biệt đối xử, gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác. Luật Cạnh tranh hiện hành còn thiếu các quy định đủ mạnh để giám sát, kiểm soát và xử lý hiệu quả các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế của doanh nghiệp nhà nước.

4. Yêu cầu từ hội nhập và các cam kết quốc tế
Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia các FTAs/RTAs thế hệ mới, đòi hỏi Việt Nam phải tăng cường quản lý cạnh tranh. Luật Cạnh tranh hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế. Các hành vi phản cạnh tranh ngày càng mang tính xuyên biên giới, đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp lý và cơ chế phù hợp để kiểm soát. Tác động của các hành vi này có thể lan rộng ra nhiều quốc gia, biến vấn đề cạnh tranh từ vấn đề nội bộ quốc gia thành vấn đề chung mang tính quốc tế.
5. Bất cập về cơ quan cạnh tranh và nguồn nhân lực
Mô hình và vị thế của cơ quan cạnh tranh hiện nay chưa đủ mạnh để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng cho mọi loại hình doanh nghiệp, cũng như thực thi Luật Cạnh tranh một cách khách quan, hiệu quả. Nguồn nhân lực thực thi Luật còn hạn chế, dẫn đến việc phát hiện, điều tra và xử lý các vụ việc cạnh tranh chưa kịp thời và chưa đạt hiệu quả cao.
Những bất cập của Luật Cạnh tranh 2004 khiến việc kiểm soát hành vi phản cạnh tranh còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp thực tiễn. Để bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và cập nhật quy định mới, việc hiểu rõ pháp luật là vô cùng cần thiết. Liên hệ Pháp Luật Việt qua tổng đài 1900 996616 để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ hồ sơ ngay hôm nay!